Bé mạnh khỏe, mau lớn và thông minh là ước mong của tất cả các bà mẹ. Có bà mẹ hỏi tôi “Em thấy bé không cao nên cho bé uống sữa hươu cao cổ, được không bác sĩ?”.



Nghe thế tôi không khỏi mỉm cười trả lời với bà mẹ trẻ “Cũng được, nhưng quan trọng là chị phải cho bé ăn đầy đủ thì bé mới cao khỏe và thông minh được, sữa chỉ bổ sung thêm. Ngoài sữa, chị có thể cho bé ăn những thực phẩm giàu canxi khác như cua, tép, cá con, ăn cả vỏ và xương”. Trẻ con giống như một chồi non đang lớn, nếu một giai đoạn nào đó trẻ không nhận được đủ chất dinh dưỡng thì đứa trẻ - chồi non này sẽ phát triển èo uột hoặc thậm chí ngừng lớn. Việc nuôi dưỡng không đầy đủ lúc nhỏ sẽ để lại dấu tích lên cả cuộc đời bé sau này, bé trở thành một người lớn thấp bé, còi cọc, không đủ sức khỏe và trí tuệ để đảm đương với áp lực học tập và công việc ngày càng cao trong xã hội ngày nay.

Một nhà thơ nổi tiếng người Chi Lê đã nói: “Có nhiều thứ chúng ta cần, ta có thể chờ đợi/ Nhưng trẻ thì không thể chờ/ Ngay bây giờ, ngay lúc này xương của bé đang hình thành, máu của bé đang tạo lập và trí tuệ của bé đang phát triển…” Do vậy, ngay từ lúc nhỏ các bà mẹ, ông bố phải dành thời gian để quan tâm, chăm sóc và nuôi dưỡng bé đầy đủ, và còn phải chăm sóc sớm hơn nữa tức là lúc bé còn trong bụng mẹ. Như thế mà vẫn còn trễ vì tốt hơn nữa là cần phải đầu tư cho mẹ bé từ 20 năm về trước để khi trưởng thành mẹ bé là một thiếu nữ có đầy đủ sức khỏe để thực hiện thiên chức làm mẹ sau này.

Trong suốt quá trình phát triển của trẻ có 3 giai đoạn cực kỳ quan trọng ảnh hưởng đến tầm vóc, sức khỏe và trí tuệ của trẻ sau này, các bà mẹ cần đặc biệt lưu tâm để chăm sóc dinh dưỡng đầy đủ cho các cháu. Đó là:

   1. Giai đoạn phát triển trong bào thai: Từ một phôi sống bé xíu mà mắt thường không thể nhìn thấy bắt đầu hình thành các cơ quan bộ phận, tăng số lượng tế bào thần kinh, phát triển về cân nặng, chiều cao đến khi chào đời là một em bé mạnh khỏe có cân nặng 3-3,5 kí và chiều cao độ 50 cm. Muốn thế, mẹ cần đi khám thai định kỳ và chú trọng ăn uống lúc mang thai sao cho tăng độ 10-12 kí trong suốt thai kỳ. Nếu bé sinh ra nhẹ kí, cân nặng dưới 2,5 kí, tức là bé đã bị suy dinh dưỡng bào thai, bé dễ đau bệnh, dễ tử vong và cũng thường bị suy dinh dưỡng còi cọc hơn những trẻ bình thường khác.

   2. Giai đoạn từ lúc sinh ra đến 2 tuổi: Đây là giai đoạn phát triển nhanh nhất trong suốt quá trình phát triển của trẻ kể từ khi sinh ra. Chỉ trong vòng năm đầu tiên cân nặng và khối lượng não của bé đã tăng gấp 3 lần so với lúc mới sinh. Trẻ lúc 2 tuổi sẽ có chiều cao ước đoán bằng phân nửa chiều cao của người trưởng thành. Như vậy, nếu lúc 2 tuổi một bé trai chỉ có chiều cao 78cm thì chiều cao ước đoán lúc trưởng thành của bé sẽ là 78cm x  2 = 156cm. Bé trở thành một thanh niên thấp bé hơn nhiều so với các bạn cùng trang lứa được nuôi dưỡng tốt.

   3. Giai đoạn dậy thì: Sau giai đoạn phát triển nhanh ở 2 năm đầu đời, tốc độ phát triển của trẻ tăng chậm hơn. Đến giai đoạn dậy thì (10-18 tuổi), trẻ lại tiếp tục tăng tốc phát triển. Trong giai đoạn này, trẻ sẽ có một năm tăng trọng và chiều cao cực nhanh, có thể tăng đến 10 kí và cao từ 8 đến 10cm chỉ trong 1 năm. Mới ngày nào bé đang còn là một cô bé, cậu bé hồn nhiên rượt đuổi nhau chơi trốn tìm bỗng nhiên cao vọt lên trở thành một chàng trai, thiếu nữ. Các bé gái thường dậy thì sớm hơn các bé trai từ 2 đến 3 năm. Các bà mẹ cần phải biết rằng đây là giai đoạn phát triển cuối cùng quyết định tầm vóc của bé lúc trưởng thành sau này, do vậy cần phải lưu ý chế độ ăn và nhắc nhở các cháu ăn uống đầy đủ để trẻ phát triển hết tiềm năng của mình.

0-6 tháng  

- Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn. Cho bé bú sớm trong vòng 30 phút đầu sau sinh

- Cho bú bất cứ khi nào bé muốn cả ngày và đêm, ít nhất 8 lần một ngày

- Không cho trẻ ăn hoặc uống thêm bất cứ thứ gì khác ngoài sữa mẹ

6-12 tháng  

- Cho trẻ ăn dặm. Ban đầu tập cho trẻ ăn từng ít một, từ ít đến nhiều, từ lỏng đến đặc, từ 1 loại thực phẩm đến đa dạng. Sau đó tăng dần đến 2-3 chén bột hoặc cháo đặc đủ chất mỗi ngày gồm 4 nhóm thực phẩm (bột + đạm + dầu + rau)

- Tiếp tục cho trẻ bú mẹ sau ăn bất cứ khi nào trẻ muốn cả ngày lẫn đêm, hoặc 500 ml sữa bò mỗi ngày trong trường hợp bé không bú mẹ.

- Cho trẻ ăn thêm trái cây tươi như chuối, cam, xoài, đu đủ…

1-2 tuổi  

- Cho bé ăn 4-5 chén bột/ cháo đặc hoặc cơm tán đủ chất một ngày, mỗi chén cách nhau mỗi 3 giờ

- Tiếp tục cho trẻ bú mẹ sau ăn bất cứ khi nào trẻ muốn cả ngày lẫn đêm, hoặc 300-500 ml sữa bò mỗi ngày.

- Cho trẻ ăn thêm trái cây tươi

2-5 tuổi  

- Cho trẻ ăn 3 bữa chính cùng với gia đình, mỗi bữa độ 1 chén cơm với đủ 4 nhóm thực phẩm

- Cho trẻ ăn thêm 2-3 bữa phụ giữa các bữa ăn chính như sữa, yaourt, bánh, chè… Tiếp tục cho trẻ uống khoảng 300 ml sữa mỗi ngày.

- Cho trẻ ăn thêm trái cây tươi

5-10 tuổi  

- Cho trẻ ăn 3 bữa chính, mỗi bữa từ 1 chén rưỡi đến 2 chén cơm, chú trọng bữa ăn sáng

- Cho trẻ ăn thêm 2-3 bữa phụ.  Cho trẻ uống ít nhất 300 ml sữa mỗi ngày.

- Cho trẻ ăn thêm trái cây tươi

10-18 tuổi  

- Cho trẻ ăn 3 bữa chính, mỗi bữa 2-3 chén cơm, chú trọng bữa ăn sáng

- Cho trẻ ăn thêm 2-3 bữa phụ.  Cho trẻ uống ít nhất 300 ml sữa mỗi ngày.

- Cho trẻ ăn thêm trái cây tươi

Hy vọng rằng với những bước hướng dẫn dinh dưỡng cụ thể trên đây, các bà mẹ có thể dễ dàng áp dụng để nuôi dưỡng các cháu mau lớn, mạnh khỏe và thông minh như mong đợi của các chị. Dẫu biết rằng các bà mẹ thật khó nhọc để nuôi dưỡng các con khôn lớn từ tấm bé đến trưởng thành nhưng tôi tin rằng với tấm lòng của người mẹ, các chị sẽ vượt qua được những vất vả của ngày hôm nay để nhìn thấy trái ngọt ngày mai.

0 nhận xét:

Post a Comment

 
Dũng Phạm Blog © 2013. All Rights Reserved. Design by Pham Huu Dung
Top